Sơ cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông tại hiện trường
Tai nạn giao thông đường bộ vẫn luôn là một vấn đề nóng ở nước ta hiện nay. Điều này gây ra một gánh nặng rất lớn lao về gia đình và xã hội.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khi xảy ra tai nạn giao thông, những nạn nhân được sơ cấp cứu tại chỗ rất ít, chỉ đạt tỷ lệ chưa đến 10%. Trong số những người bị tai nạn được cứu chữa thì gần một nửa sơ cứu không đúng kỹ thuật, bởi những người tham gia cấp cứu tại hiện trường xảy ra tai nạn không hiểu biết đầy đủ về cách sơ cấp cứu ban đầu. Việc sơ cứu không đúng kỹ thuật có thể làm tình trạng bệnh nhân nặng thêm hoặc đôi khi làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tham gia cấp cứu
1. Những chấn thương thường gặp do tai nạn giao thông
Chấn thương sọ não
Chấn thương cột sống
Chấn thương ngực
Chấn thương bụng
Vết thương động mạch
Gãy xương và tổn thương mô mềm
Những chấn thương trên có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng nề cho nạn nhân ngay tại hiện trường do mất máu quá nhiều tư vết thương, vỡ tạng đặc hoặc gãy xương lớn; Chấn thương sọ não nặng; Sốc do đau; Suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở, chấn thương đường thở hoặc chấn thương ngực gây tràn máu và tràn khí màng phổi
2. Nguyên tắc khi sơ cứu nạn nhân
Hai nguyên tắc đầu tiên là an toàn tại hiện trường và an toàn cho chính người sơ cứu nạn nhân
1) An toàn hiện trường là yêu cầu đầu tiên của người cấp cứu. Trước khi tiến
hành cấp cứu cần phải quan sát, loại bỏ hoặc tránh các yếu tố nguy hiểm tại hiện trường như cháy, nổ, điện, nước, chất độc, hóa chất. Yếu tố trên có thể làm nặng thêm tình trạng nạn nhân và gây nguy hiểm cho người sơ cứu nạn nhân. Đồng thời phải có động tác cảnh báo hiện trường để tránh nguy cơ cho người xung quanh và phục vụ công tác điều tra sau này.
2) An toàn cho người sơ cứu nạn nhân: Cần chú ý loại bỏ hoặc tránh ngay các mối nguy hiểm từ hiện trường. Chú ý những mối nguy hiểm từ con người tại hiện trường (kể cả nạn nhân) như chất tiết, máu từ vết thương có thể là tác nhân lây nhiễm bệnh cho người sơ cứu (HIV, viêm gan). Tốt nhất có thể sử dụng găng tay. Nếu trong tình huống không có găng tay, tránh máu hoặc chất dịch lây nhiễm qua vết thương hở trên cơ thể người sơ cứu nạn nhân
3) Yêu cầu sự trợ giúp. Trước khi sơ cứu nạn nhân, hãy gọi to yêu cầu sự trợ giúp từ những người khác nữa. Vừa đảm bảo có người trợ giúp và cũng là người làm chứng trong các vụ việc nhạy cảm do tại nạn giao thông. Yêu cầu một người gọi cho đơn vị cấp cứu ngoại viện 115. Nếu chỉ có một mình bạn, hãy gọi cho đơn vị cấp cứu 115 trước khi sơ cứu nạn nhân.
4) Tránh di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá tổn thương, trừ khi có nguy cơ nguy hiểm từ hiện trường. Trường hợp bắt buộc phải di chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường, cần tránh các động tác làm xoắn vặn, gập cổ, gập người. Tốt nhất là có nhiều người hỗ trợ để giữ thẳng lưng, cổ trong quá trình di chuyển. Nếu nạn nhân có gãy xương chi gây biến dạng gập góc, cố gắng giữ nguyên tư thế biến dạng khi di chuyển.
5) Đặc biệt chú ý cố định cột sống cổ (Phải nghi ngờ chấn thương cột sống cổ ở tất cả những trường hợp nạn nhân chấn thương sọ não hoặc nạn nhân hôn mê). Để nạn nhân nằm ngửa, cố định cột sống cổ bằng nẹp hoặc vật cứng chèn hai bên vai để giữ cho cột sống cổ luôn thẳng. Nếu cần thiết phải di chuyển nạn nhân, cần có nhiều người đứng cùng bên để giữ thẳng trục lưng và cổ, một người giữ trục cột sổng cổ thẳng bằng hai tay giữ hai bên cột sống cổ.
6) Trong hoàn cảnh không tai nạn không có nhân viên y tế và bộ dụng cụ chăm sóc y tế, hãy tận dụng những vật phù hợp xung quanh để sơ cứu cho nạn nhân. Nếu không có hộp dụng cụ cứu thương, hãy tận dụng miếng vải sạch, khăn sạch, hoặc quần áo làm dụng cụ băng hoặc cầm máu. Dùng thanh gỗ, thanh kim loại dài, cứng làm nẹp. Dùng gối, túi nặng, bao cát làm vật cố định cột sống cổ bằng cách chèn hai bên cổ nạn nhân. Nên trang bị túi hoặc hộp dụng cụ sơ cứu trên xe ô tô.
3. Các bước tiến hành sơ cứu nạn nhân
- Đỗ xe tại nơi an toàn, không quá gần hiện trường, tránh cản trở hoặc gây ách tắc giao thông.
- Đánh giá mức độ nguy hiểm của hiện trường: tìm và cảnh báo những mối nguy hiểm như dây điện rơi, kính vỡ, xăng tràn, xe tiếp tục lăn. Nếu xe đang nổ máy, cố gắng tắt máy, ngắt nguồn phóng điện đề phòng chảy nổ. Phải đảm bảo thật sự an toàn cho bạn mới tiến hành tiếp cận người bị nạn. Nếu gặp tình huống nguy hiểm tại hiện trường (ví dụ nguy cơ chập điện, cháy nổ…), bắt buộc phải di chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường. Khi đó cố gắng tránh các động tác làm xoắn vặn, gập cổ, gập người. Tốt nhất là có nhiều người hỗ trợ để giữ thẳng lưng, cổ và chân trong quá trình di chuyển. Nếu nạn nhân gãy xương chi gây biến dạng gập góc, cố gắng giữ nguyên tư thế biến dạng khi di chuyển.
- Kêu gọi sự trợ giúp từ người xung quanh
- Gọi đơn vị cấp cứu ngoại viện 115: Thông báo ngắn gọn cho đơn vị cấp cứu ngoại viện 115 về địa điểm xảy ra tai tại nạn, cơ chế tại nạn và số nạn nhân và có thể là mức độ nguy kịch của nạn nhân
- Sơ cứu nạn nhân theo trình tự A,B,C,D,E:
Ø Đường thở (A: Airway): Đầu tiên cần nhận biết bệnh nhân có tỉnh không. Nếu bệnh nhân tỉnh, có thể nói được thì đường thở có thể ổn định. Nếu nạn nhân nôn, nghiêng nhẹ đầu sang một bên để chất nôn chảy ra ngoài, tránh sặc vào phổi nạn nhân. Nếu bệnh nhân không tỉnh, dùng khăn hoặc vải sạch lau đờm dãi, mở miệng kiểm tra dị vật, khai thông đường thở. Giữ nạn nhân ở tư thế cổ ưỡn, nâng hàm.
Ø Hô hấp (B: Breathing):
Nếu nạn nhân hôn mê, cần kểm tra xem nạn nhân còn thở không. Nạn nhân hôn mê, không thở hoặc thở ngáp có tức là nạn nhân bị ngừng tuân hoàn. Ngay lập tức tiến hành hồi sinh tim phổi cho nạn nhân bằng cách đặt cườm hai tay vào 1/3 dưới xương ức của nạn nhân, ép tim nhanh và mạnh (tần số 100 đến 120 lần mỗi phút, độ sâu mỗi lần ép tim 5 cm). Ép tim liên tục cho đến khi nhân viên cấp cứu ngoại viện tới hiện trường. Nếu có nhiều người sơ cứu tại hiện trường thi thay đổi người ép tim mỗi 2-3 phút
Nếu nạn nhân khó thở, hãy nới rộng quần áo, cho nạn nhân nằm đầu cao. Nếu có vết thương phì phò máu khí ở vùng ngực, hãy băng kín vết thương. Nếu vết thương ngực có dị vật, không tự ý rút dị vật, chỉ dùng băng sạch quấn quanh chân dị vật.
Ø Tuần hoàn (C: Circulation):
Chảy máu là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sốc, vết thương chảy máu cũng là chấn thương thường gặp nhất khi bị tai nạn giao thông. Đối với vết thương chảy máu không có dị vật thì hãy dùng miếng vải sạch ép vào vị trí vết thương và băng chặt vết thương. Trường hợp vết thương có dị vật thì không được rút dị vật ra vì có thể làm cho máu chảy nhiều hơn. Tiến hành xử trí theo các bước sau:dùng tay ép chặt mép vết thương, chèn vải hoặc gạc quanh dị vật rồi băng chặt cố định. Lưu ý không băng trùm lên dị vật.
Ø Thần kinh (D: Disability):
Gọi to để xem nạn nhân có tỉnh không. Nếu nạn nhân bất tỉnh chú ý cố định cột sống cổ cho nạn nhân nếu nạn nhân bằng cách đặt vật cứng chèn hai bên vai.
Kiểm tra vết thương ở vùng đầu, nếu có vết thương hãy băng quanh đầu để cầm máu, chú ý bất động cột sống cổ.
Ø Bộc lộ (E: Expose): Nới rộng quần áo kiểm tra toàn thân, chú ý các vị trí thấm máu ở quần áo. Kiểm tra các chi xem có điểm gãy xương không. Vị trí gãy xương là vị trí nhìn thấy chi biến dạng, sưng nề và nạn nhân đau nhiều. Chú ý dùng nẹp cứng để cố định chi bị gãy, cố gắng giữ nguyên tư thế của chi gãy, không tự ý kéo nắn vì xương gãy có thể làm tổn thương thêm mạch máu hoặc các mô mềm xung quanh
Hình ảnh: Nẹp cố định một số vị trí tổn thương
Tóm lại: Việc cấp cứu người bị nạn do tai nạn giao thông đã được quy định trong pháp luật, là trách nhiệm của tất cả người tham giao thông. Nếu tiến hành đúng cách, đúng trình tự có thể cứu tính mạng cho nạn nhân trong thời điêm vừa xảy ra tai nạn. Tuy nhiên đảm bảo an toàn hiện trường, an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân là những việc cần thiết trước khi cấp cứu nạn nhân.